Chợ Đồng Xuân ở Berlin

Còn nhiều nơi muốn đến ở Tây Berlin mà thời gian thì có hạn, phải thay đổi kế hoạch tranh thủ đi Chợ Đồng Xuân ở phía Đông vì muốn có một góc nhìn khác. Phần vì cũng tò mò thấy báo chí trong nước mô tả: “Chợ Đồng Xuân ở Đức là TTTM lớn và hiện đại theo quy mô công nghiệp, được quản lý và điều hành chuyên nghiệp từ kinh nghiệm châu Âu”.

Từ Tây Berlin đi Metro chuyển tàu vài lần rồi lên xe điện Tram đi tiếp, xe dừng ngay cổng chợ. Nhà cửa đường xá cảnh quan phía Đông không to đẹp bóng bẩy bằng phía Tây. Xuống xe, nhìn sang đường Đong Xuan Center đập ngay vào mắt, chợ tọa lạc trên một nơi khá trống trải, cảnh quan đơn điệu. Chợ có 6 dãy nhà dài gọi là Halle, trông hơi giống nhà kho, bên trong mỗi Halle có cửa hàng thực phẩm, tiệm tạp hóa, tiệm cắt tóc, nhà hàng… Ở đây không chỉ có người Việt mà còn có cửa hàng của người châu Á.

Đến đây như trở về Việt Nam, chỗ nào cũng thấy tiếng Việt. Bảng quảng cáo tìm việc, trông trẻ, phụ bếp, thuê phòng… dán lem nhem ở vách tường. Có cả dịch vụ in ấn, sửa chữa nhà cửa, chuyển hàng, mua vé máy bay, dịch vụ làm đẹp, cá độ bóng đá.

Cửa hàng thực phẩm chủ yếu bán thức ăn Việt Nam, đủ thứ từ mì ăn liền, bánh tráng, miến, măng… thấy bán cả lòng lợn và đậu phụ, bày biện đơn giản. Đến hàng trái cây, thoang thoảng mùi sầu riêng, ổi, chôm chôm, quả vải tươi 12 euro/kg.

Đi ngang vài tiệm cắt tóc, nghe tiếng cười nói nhìn vào trong, thợ đa số là các em trai người Việt trẻ măng tóc tai sành điệu. Đi tiếp gặp vài nhà hàng Việt Nam như Thiên Trường, Đồng Xuân Quán, Việt Phố… thực đơn là những món ăn quê nhà. Bước chân vào nhà hàng Việt Phố nhìn đĩa cơm chiên 8 euro, gọi tô phở bò 7 euro, ăn được, giá mềm hơn chỗ khác.

Nhìn quanh chợ, đa số người Việt, nghe tiếng các chị nói chuyện lao xao đủ giọng các vùng miền. Gặp một bà đội nón đi chợ tôi hỏi thăm, bà chậm rãi nói: “Chợ này có lâu rồi, cũng mùa nào thức ấy, ở đây cũng dễ mua bán”.

Tiếng là đi chợ nhưng chả mua sắm gì chỉ xem cho biết, ăn quà rồi về. Ra gần cổng chợ, giật mình gặp người đàn ông Việt gầy gò ở tuổi ngũ tuần ngồi xe lăn, chìa tay xin tiền. Trong lúc đứng chờ xe bus bắt chuyện với mấy chị người Việt vừa đi từ trong chợ ra. Chị cho biết sang Đức hơn 10 năm làm đủ thứ việc linh tinh, cũng sống được. Tôi hỏi sao chị không học lấy một cái nghề? Chị buồn rầu nói: “Làm cả ngày thời gian đâu mà học, có biết tiếng Đức, tiếng Anh gì mà học với hành”.

Lên xe bus ngồi cạnh em trai nhìn cao ráo, tôi quay sang nói chuyện, em thật thà cho biết: “Sang đây rồi ở lại luôn, làm chui cho các ông chủ người Việt giàu có, gặp việc gì cũng làm, sống qua ngày”. Trên đường về lòng mang mác buồn, nghĩ đến cảnh một số người Việt cần cù, tha hương nơi xứ người sống vất vả, bấp bênh, tạm bợ.

Comments

Bài viết nổi bật

Khu du lịch núi Cậu

Điểm Một Thời